Diễn biến thị trường thép

Báo cáo cập nhật bức tranh toàn cảnh về tình hình
sản xuất, biến động giá cả, tình hình tiêu thụ và các
dự báo về thị trường thép trong nước và thế giới
.

Thị trường thép thế giới

Sản lượng thép thế giới

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 169,5 triệu tấn vào tháng 4/2021, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng 2021, sản xuất thép thô đạt 662,8 triệu tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, ghi nhận tăng trưởng mạnh về sản lượng trong tháng 4, đạt 97,9 triệu tấn, tăng 13,4% so với tháng 3/2020. Các nước có sản lượng thép thô lớn khác phải kể đến như Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Hàn Quốc,..

Diễn biến xuất nhập khẩu

Tình hình xuất khẩu

Nhật Bản: Theo số liệu từ Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản (JISF), xuất khẩu thép nước này đạt hơn 2,7 triệu tấn trong tháng 4, giảm 13,2% so với tháng liền trước nhưng lại giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 4 tháng đầu năm Nhật Bản đã xuất khẩu hơn 11,1 triệu tấn thép, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thái Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật trong tháng 4 với lượng xuất khẩu đạt
508.347 tấn, giảm 3,6% so với tháng trước và tăng 41 % so với cùng kỳ. Tiếp đó là Trung Quốc với
478.568 tấn; Hàn Quốc với 357.699 tấn,…

Mỹ: Theo số liệu từ US International tradae commission, giá trị xuất khẩu sắt thép và các sản phẩm sắt thép của Mỹ trong tháng 4 đạt 1.279,1 triệu USD, tăng 2,4% so với tháng trước và 37% so với cùng kỳ năm trước

Tình hình nhập khẩu

Nhật Bản: Theo JIFS, Nhật Bản đã nhập khẩu 715.715 tấn thép trong tháng 4/2021, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Hàn Quốc tiếp tục là nước xuất khẩu nhiều sắt thép nhất sang Nhật với 294.495 tấn trong tháng 4.

Mỹ: Giá trị nhập khẩu sắt thép của Mỹ giảm trong trong tháng 4 với kim ngạch đạt gần 1.658,8 triệu USD, giảm 4,52% so tháng trước.

Diễn biến giá

Giá thép thế giới đã tăng mạnh từ quý 4/2020, lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2008. Gần đây, giá thép bình quân toàn cầu đã lên mức 883 USD/tấn, so với mức chỉ 582 USD/tấn trong năm ngoái.

Giá thép thế giới tăng lên mức cao kỷ lục vào đầu tháng 5 nhưng sau đó quay đầu giảm và hiện đang trên đà hồi phục.

Thị trường thép Trung Quốc

Sản lượng

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng thép thô, gang và thép thành phẩm của Trung Quốc trong tháng 5 đạt tổng cộng 99,45 triệu tấn, hơn 78,15 triệu tấn và 124,69 triệu tấn.

Đây là các con số ghi nhận mức sản xuất kỷ lục của ngành công nghiệp thép nước này, tương ứng với các mức tăng 6,6%, giảm nhẹ 0,2% và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế lượng thép thô, gang và thép thành phẩm của Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 5 đạt tổng cộng 473,10 triệu tấn, hơn 379,90 triệu tấn và 576,57 triệu tấn, lần lượt tăng 13,9%, 5,4% và 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính theo mức trung bình hàng ngày, sản lượng thép thô, gang và thép thành phẩm đạt lần lượt 3,20 triệu tấn, 2,52 triệu tấn và 4,02 triệu tấn, giảm tương ứng 1,6%, 0,4% và 0,5% so với tháng trước.

Trong tháng 5, tỷ lệ hoạt động của các nhà máy thép tư nhân sử dụng lò điện hồ quang đã trở lại mức bình thường và không có nhiều khả năng tăng thêm. Nếu không có chính sách hạn chế sản xuất mạnh từ Chính phủ, tỷ lệ hoạt động của các nhà máy thép sử dụng lò cao sẽ tiếp tục duy trì ổn định.

Dự kiến, sản lượng thép xây dựng vẫn ở mức cao trong tháng 6 tuy nhiên nhu cầu thép xây dựng trong tháng 6 có thể bắt đầu giảm khi một số khu vực ở Trung Quốc bước vào mùa mưa và nắng nóng đỉnh điểm.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các dự án lớn ở các khu vực khác nhau bắt đầu ráo riết hơn từ đầu tháng 5, nhưng do giá liên tục giảm mạnh bởi chính sách kiểm soát của Chính phủ nên người tiêu dùng cuối cùng tỏ ra thận trọng với thị trường. Lượng giao dịch thép xây dựng bình quân hàng ngày của các nhà phân phối lớn tại các thị trường lớn ghi nhận 99.800 tấn, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm ngoái (87.900 tấn).

Vào cuối tháng 5, tỷ lệ vận hành thép cây và thép cuộn tại các nhà máy thép lớn trong nước lần lượt là 90,52% và 91,1%, cao hơn 1,53 điểm % và thấp hơn 0,43 điểm % so với cuối tháng 4 và tỷ lệ hoạt động công suất lần lượt là 90,16% và 91,63%, cao hơn 1,32 điểm % và thấp hơn 0,45 điểm % so với cuối tháng 4. Dự kiến, tỷ lệ hoạt động của các nhà máy thép lớn (lò cao) và các nhà máy thép tư nhân nhỏ (lò điện hồ quang) ở Trung Quốc sẽ giảm trong tháng 6. Đồng thời, nguồn cung thép xây dựng sẽ giảm nhẹ.

Tháng 4 năm nay, nguồn cung cấp tài nguyên thép thanh và thép cuộn của Trung Quốc lần lượt là 23,29 triệu tấn và 13,56 triệu tấn, tăng so với cùng kỳ khoảng 2,51 triệu tấn và 752.000 tấn. Trong 4 tháng đầu năm, sản lượng thép thanh và thép cuộn của Trung Quốc lần lượt là 87,02 triệu tấn và 53,477 triệu tấn, tăng lần lượt 16,9% và 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong thời gian này, đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc là 14.380,4 tỷ NDT, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đầu tư vào phát triển bất động sản là 4.024 tỷ NDT, tăng 21,6% so với cùng kỳ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tăng 18,4% so với cùng kỳ và đầu tư vào lĩnh vực chế tạo tăng trưởng 23,8%.

Tồn kho, xuất nhập khẩu

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc đã xuất khẩu 5,27 triệu tấn thép trong tháng 5, tăng 870.000 tấn (tương đương 19,8%) so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu thép trong tháng 5 đạt 1,20 triệu tấn, giảm 74,000 tấn (tương đương 5,8%) so với cùng kỳ. Trong 5 tháng qua, xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt 30,92 triệu tấn, tăng 5,92 triệu tấn (tương đương 23,7%) so với cùng kỳ. Nhập khẩu thép đạt 6,09 triệu tấn, tăng 633.000 tấn (tương đương 11,6%) so với cùng kỳ năm ngoái

Trung bình mỗi tuần trong tháng 5, lượng quặng sắt từ Australia và Brazil cập cảng Trung Quốc đạt lần lượt 17,47 triệu tấn và 5,71 triệu tấn, tăng tương ứng 5,7% và 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến ngày 17/06, tồn kho quặng sắt tại 46 cảng chính của Trung Quốc đạt 124,6 triệu tấn, giảm 1,65 triệu tấn so với ngày 10/06, theo số liệu của SteelHome.

Trong số các kho dự trữ, có khoản 61,1 triệu tấn thuộc sở hữu của thương nhân. Các kho dự trữ chứa 16,5 triệu tấn quặng thô, 3,5 triệu tấn dạng viên và 7,9 triệu tấn quặng tinh luyện. Khối lượng giao hàng ngày đạt 3 triệu tấn, giảm 100.000 tấn so với tuần trước. Bên cạnh đó, lượng quặng sắt hàng ngày đến 5 bến cảng lớn nhất miền Bắc đạt 1.22 triệu tấn trong tuần này, tăng 100,000 tấn so với tuần trước.

Đối với các sản phẩm thép, tồn kho tại 33 thành phố và cảng đạt khoảng 15,11 triệu tấn, tăng 337.800 tấn so với khảo sát ngày 10/06. Trong đó, nhiều nhất là tồn kho thép thanh vằn với khối lượng hơn 6,8 triệu tấn.

Diễn biến giá

Giá thép giảm một cách phi lý từ giữa tháng 5 trước các chính sách kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa của Trung Quốc, sau đó hồi phục trở lại từ đầu tháng 6.

Tồn kho thép tại các nhà máy và thị trường đều tăng nhẹ khi khối lượng giao dịch thép cây và thép cuộn cán nóng giảm xuống. Tỷ lệ vận hành lò cao và lò điện tăng nhẹ trở lại. Chỉ số giá thép Trung Quốc SteelHome (SHCNSI) đóng cửa ở mức 133,97 điểm (5.795 nhân dân tệ) vào ngày 11/6, giảm 1,06 điểm so với tuần trước

Về thị trường nội địa, nhu cầu từ các công trường xây dựng sẽ bị hạn chế do nắng nóng ở miền Bắc và thời tiết mưa ở miền Nam. Tuy nhiên, tốc độ vận hành của các lò cao và lò điện hồ quang tiếp tục duy trì ở mức cao, giúp cung ứng đủ nguồn cung trên thị trường. Bên cạnh đó, nguồn cung tiền trên thị trường bị thắt chặt, đặc biệt là việc chính phủ Trung Quốc cắt giảm lượng trái phiếu bổ sung mới sẽ ảnh hưởng đến đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản.

Trong tháng 5, giá thép xây dựng trong nước tăng mạnh sau đó đảo chiều giảm sâu. Đến cuối tháng 5, giá thép cây ở các khu vực lớn thấp hơn 150 – 360 nhân dân tệ/tấn so với hồi cuối tháng 4, trong khi giá thép cuộn giảm ít hơn thép cây, thậm chí giá thép cuộn ở một số thị trường khác còn tăng lên. Trước ngày 12/5, giá thép xây dựng đã tăng vọt. Sau đó, giá thép xây dựng giảm sâu khi Ủy ban Thường vụ NPC Trung Quốc hai lần gọi điện phản hồi về việc giá hàng hóa tăng mạnh.

Theo nhận định của người viết, sản lượng thép xây dựng trong tháng 6 dự báo vẫn ở mức cao
Tuy nhiên, với việc mùa mưa ở các khu vực phía Nam đang dần đến gần, nhu cầu dự kiến sẽ chậm lại và hàng tồn kho dự kiến sẽ tăng lên. Dự kiến, giá thép xây dựng sẽ có nhiều biến động trong tháng 6, với mức giảm tổng thể khoảng 200 nhân dân tệ/tấn.

Giá trung bình của thép cây HRB400e 20mm, thép cuộn 8mm HRB400e và thép cuộn 8mm HPB300 tại 28 thị trường nội địa chính là 5.006 NDT/tấn, 5.356 NDT/tấn và 5.341 NDT/tấn, lần lượt thấp hơn 193 NDT/tấn, 135 NDT/tấn và 108 NDT/tấn so với cuối tháng trước. Giá HRB trung bình của Q235 là 5.449 NDT/tấn, giảm 298 NDT/tấn so với cuối tháng trước. Tính đến cuối tháng 5, chênh lệch giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng (HRC – rebar) là 443 NDT/tấn, thấp hơn 105 NDT so với cuối tháng trước.

Thị trường Việt Nam

Trong tháng 5, nhu cầu thép trong nước tiếp tục tăng tích cực và dự báo tháng 6 nhu cầu vẫn tốt song sẽ có xu hướng chậm dần, có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam.

Sản lượng và tiêu thụ thép Việt Nam

Theo số liệu từ Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước 5 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 13,4 triệu tấn, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2020; bán hàng thép các loại đạt hơn 11,9 triệu tấn, tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu thép các loại đạt hơn 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng trong tháng 5, sản xuất thép các loại đạt 2.919.269 tấn, tăng 3,53% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng thép các loại đạt 2.475.826 tấn, giảm 8,42% so với tháng 4/2021, nhưng tăng 30,8% so với cùng kỳ 2020; Trong đó, xuất khẩu thép các loại đạt 630.551 tấn, tăng 18,04% so với tháng trước và gấp 3,4 lần so với cùng kỳ tháng 4/2020.

Sản xuất thép thô đạt 1.784.437 tấn, giảm 0,9% so với tháng trước, nhưng tăng 36,6% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép thô đạt 1.843.956 tấn, giảm 7% so với tháng trước nhưng tăng 36,6% so với cùng kỳ 2020 .Trong đó, xuất khẩu thép thô là 166.153 tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ 2020.

Sản lượng sản xuất và bán hàng thép xây dựng tháng 5/2021 tiếp tục duy trì ở mức sản lượng cao trong vòng 5 năm trở lại đây đạt 1.073.011 tấn, tăng nhẹ 4,84% so với tháng 4/2021 nhưng và tăng 18,4% so với cùng kỳ 2020. Bán hàng đạt 954.318 tấn, giảm 19,07% so với tháng trước nhưng tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt 4.778.532 tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ 2020. Tồn kho thời điểm 31/5/2021 là 706.775tấn. Đây là mức tồn kho tương đối thấp so mức tồn kho trung bình trong những năm gần đây, để gối đầu tiêu thụ các tháng tiếp theo

Sản xuất thép cuộn cán nóng tháng 5 đạt 602.132 tấn, tăng 3,53% so với tháng 4/2021 và tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020; Bán hàng đạt 616.012 tấn, giảm 1,85% so với tháng trước và tăng 2,21 lần so với cùng kỳ 2020.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm, sản xuất thép cuộn cán nóng đạt 2.893.230 tấn, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ

Giá thép trong nước

Trong tháng 5/2021, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tiếp tục xu hướng tăng. Giá bán thép xây dựng trong nước ở mức bình quân khoảng 17.000- 17.500 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.

Theo VSA, dự báo tháng 6 nhu cầu vẫn tốt song sẽ có xu hướng chậm dần, có sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất thép xây dựng hàng đầu Việt Nam. Giá bán thép xây dựng trong nước đã điều chỉnh giảm hồi đầu tháng 6/2021.

Diễn biến giá nguyên liệu

Giá quặng sắt (loại 62%Fe) 7/6/2021 giao dịch ở mức 202,6- 203,1 USD/Tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, giảm nhẹ 8-9 USD/Tấn so với thời điểm 7/5/2021.

Giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia (giá FOB) ngày ngày 7/6/2021 (Premium Hard coking coal) khoảng 167 USD/tấn, tăng mạnh 58 USD so với đầu tháng 5/2021, trong khi đó giá cốc tại thị trường nội địa Trung Quốc tăng cao

Thép phế liệu: Giá thép phế HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 508 USD/tấn CFR Đông Á ngày 2/6/2021. Mức giá này tăng 38 USD/tấn so với hồi đầu tháng 452021. Giá thép phế chào bán tại các thị trường Mỹ, Châu Âu và Đông Nam Á có xu hướng tăng nhẹ.

Điện cực graphite loại 600mm UHP công suất cực cao hiện được đánh giá ở mức 4.100 USD/tấn và của loại 450mm HP được đánh giá ở mức 3.200 USD /tấn.

Tình hình xuất nhập khẩu, tồn kho

Nhập khẩu

Theo số liệu của VSA, nhập khẩu thép về Việt Nam trong tháng 4/2021, đạt 1,34 triệu tấn với kim ngạch 1,08 tỷ USD, giảm 5,81% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,58% về trị giá so với tháng trước; so với cùng kỳ năm trước tăng lần lượt là 17,7% về lượng và 52,15% về giá trị. 4 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thép về Việt Nam là 5,02 triệu tấn với trị giá trên 3,73 tỷ USD, tăng lần lượt 12,84% về lượng và 37,32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng năm 2021, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc là hơn 2,62 triệu tấn, với trị giá nhập khẩu hơn 1,82 tỷ USD, chiếm 52,33% tổng lượng thép nhập khẩu và 49,01% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước. Các quốc gia tiếp theo cung cấp thép cho Việt Nam là Nhật Bản (13,32%), Hàn Quốc (13,06%), Đài
Loan (8,24%), …

Xuất khẩu

Tháng 4/2021, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 1,02 triệu tấn, giảm 17,04% so với tháng trước, nhưng tăng 75,22% so với cùng kỳ năm 2020 về sản lượng xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu đạt hơn 769 triệu USD giảm 14,39% so với tháng 3/2021 nhưng tăng 142% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu thép đạt 3,9 triệu tấn, với trị giá đạt 2,79 tỷ USD đến hơn 30 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó các thị trường xuất khẩu chính là ASEAN, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc…

Xuất khẩu thép sang ASEAN, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 1,49 triệu tấn, tương đương với trị giá 1,04 triệu USD, tăng nhẹ 4,19% về lượng xuất khẩu và tăng 35,05% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trung Quốc đạt 893,45 ngàn tấn tương đương với trị giá 488,9 triệu USD, tăng 86,4% về lượng và tăng 149,6% về trị giá so với cùng kỳ 2020, chiếm 17,51% tỷ trọng xuất khẩu thép 4 tháng năm 2021 của Việt Nam.

Dự báo

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Với dự báo giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021 (trong năm 2020 thâm hụt hơn 6,4 tỷ USD).

Chính sách

Chính sách của Việt Nam

Bộ Công Thương khẳng định không đề xuất thành lập Quỹ Bình ổn giá thép

Tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 3/6, đại diện Bộ Công Thương khẳng định đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép không phải là ý kiến chính thức của cơ quan này.

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết ngay từ đầu 2021, giá thép kể cả nguyên liệu lẫn thành phẩm tăng rất cao. Bộ đã báo cáo Thủ tướng tình hình về cung-cầu và biến động của giá thép năm 2020 và dự báo năm 2021.

Tuy nhiên, hiện nay giá thép đang tăng rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ngày 8/5,Phó Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp.

Change coming to steel industry

“Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam… về vấn đề này và đã có báo cáo lên Chính phủ. Thông tin về việc Bộ Công Thương đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương,” ông Hải nói.

Để tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này, theo ông Hải, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Ông Hải nhấn mạnh Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi và xem xét, xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại…

“Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm
soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án
đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động,” ông Đỗ Thắng Hải cho biết thêm.

Chính sách của các nước trên thế giới

Hàn Quốc: Posco và Hyundai Steel tăng giá bán thép tấm

Posco, Hyundai Steel và các nhà sản xuất thép lớn khác của Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận với các công ty sản xuất ô tô là Hyundai Motor Co. và Kia Corp. về việc nâng giá thép tấm dùng trong sản xuất ô tô thêm 50.000 won (khoảng 50 USD)/tấn do giá nguyên liệu thép, nhất là quặng sắt, tăng mạnh.

Đây là lần tăng giá đầu tiên của hai hãng thép nói trên đối với thép tấm kể từ năm 2017. Posco là hãng sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc và có phàn lớn thu nhập từ mảng kinh doanh thép tấm ô tô.

Hyundai Steel là hãng sản xuất thép lớn thứ 2 của nước này, với sản lượng 5,5 triệu tấn thép tấm ô tô mỗi năm và cung cấp 90% sản lượng cho các công ty chị em là Hyundai Motor và Kia.

Các nhà sản xuất thép có thể chuyển giá nguyên liệu thô tăng sang cho các doanh nghiệp khách
hàng thông qua việc tăng giá, nhằm bảo đảm lợi nhuận cho các nhà sản xuất thép.

Trung Quốc: Muốn dùng cảnh báo để hạ sốt nguyên vật liệu

“Chính phủ Trung Quốc sẽ không bỏ qua cho hành vi độc quyền và găm hàng đẩy giá”, Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia (NDRC) cho biết sau cuộc họp giữa lãnh đạo doanh nghiệp với các cơ quan hữu quan diễn ra ở Bắc Kinh vào hôm Chủ nhật (23/5). Thông tin về cuộc họp đã có ảnh hưởng mạnh đến thị trường, khiến giá thép ở Trung Quốc có lúc giảm tới 6% và giá quặng sắt giảm gần kịch sàn biên độ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai.

Việc Trung Quốc tìm cách kiềm chế cơn sốt nguyên vật liệu thô “có thể không phải là tin tốt đối với cộng đồng đầu cơ, nhưng lại là tin tốt đối với thế giới nói chung” – bà Amelia Xiao Fu, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hoá cơ bản toàn cầu của BOCI Global Commodities Ltd.

Lời cảnh báo của NDRC được đưa ra trong bối cảnh giá nguyên vật liệu thô toàn cầu tăng mạnh, đặt ra nguy cơ lạm phát leo thang, gây sức ép lệ tăng trưởng kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác. Giới đầu tư toàn cầu gần đây đổ xô mua các kim loại công nghiệp vì tin rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch. Giá đầu vào tăng mạnh khiến các nhà sản xuất phải tăng giá bán hàng thành phẩm, dẫn tới khả năng gây suy giảm nhu cầu, cản trở đà phục hồi kinh tế.

China's Steel Industry Argues It's Forging a Low-Emission Future - Caixin  Global

Chính phủ Trung Quốc đã có nhiều cảnh báo về đợt leo thang của giá nguyên vật liệu thô lên mức cao nhất trong khoảng 1 thập kỷ. Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi quy định giao dịch tại các sàn giao dịch hàng hoá tương lai, Bắc Kinh hầu như chưa có hành động nào khác. Citigroup cho rằng Trung Quốc có thể đang đối mặt với “khả năng cạn kiệt lựa chọn chính sách” để ngăn đà tăng giá nguyên vật liệu thô.

Vấn đề nằm ở chỗ nhu cầu nguyên vật liệu thô không chỉ tăng ở Trung Quốc mà còn tăng ở hầu khắp các khu vực khác của thế giới khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau cú sốc mà Covid-19 gây ra, mà điều này rõ ràng nằm ngoài khả năng kiểm soát của Trung Quốc. Ngoài ra, chính nỗ lực giảm khí thải nhà kính của Trung Quốc cũng là nguyên nhân đẩy giá nhiều nguyên vật liệu thô tăng mạnh.

Anh: Chính phủ Anh dự định hủy bỏ khoảng một nửa hạn ngạch nhập khẩu thép

Chính phủ Anh dự định sẽ hủy bỏ khoảng một nửa hạn ngạch nhập khẩu thép áp dụng từ lúc vẫn còn là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khi các hạn ngạch này hết hiệu lực vào ngày 30/6.

Brussels đã áp dụng hạn ngạch vào năm 2019, khi nước Anh vẫn còn là một thành viên của khối, nhằm bảo vệ thị trường nội khối trước những lô hàng thép ban đầu được xuất khẩu sang Mỹ nhưng sau đó lại được chuyển hướng sang châu Âu sau khi Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump áp thuế 25% đối với mặt hàng thép nhập khẩu. Theo các quy định này, lượng thép nhập khẩu vượt hạn ngạch sẽ bị đánh thuế cao.

Anh đã đồng ý giữ nguyên các biện pháp bảo hộ này khi rời khỏi EU vào cuối năm ngoái. Nhưng giờ đây, London phải quyết định có tiếp tục áp dụng hay không sau khi các biện pháp này sẽ hết hạn vào ngày 30/6 tới. EU vẫn chưa cho biết có gia hạn các biện pháp bảo hộ trên với các nước thành viên hay không.

Ngành thép của Vương quốc Anh đã cảnh báo chính phủ không hủy bỏ bất cứ biện pháp bảo hộ nào của EU vì nó có thể khiến hàng nhập khẩu ồ ạt đổ vào thị trường nước này.

Anh sản xuất khoảng 7 triệu tấn thép thô mỗi năm và ngành này đang tạo việc làm cho khoảng 34.000 người với doanh thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.

(Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) , Trung tâm Thông tin Công Nghiệp và Thương Mại (VITIC), Vietnambiz, SteelHome,World Steel, …)

Please follow and like us:
Phương Nam

About Phương Nam

Liên Hệ hợp tác - Tư vấn đầu tư - Mobile/ z.a.lo: 033 796 8866

View all posts by Phương Nam →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *